23 tháng 3, 2011

VỀ CÁCH VIẾT CON SỐ PHẦN TRĂM (%)

Cách diễn đạt con số phần trăm (%) sao cho dễ cảm nhận và dễ hiểu là một vấn đề quan trọng trong khoa học. Đọc được bài viết của Gs. Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề này, tôi ăn cắp về đây để làm tư liệu.
Con số phần trăm được xem là một trong những sáng kiến hay nhất của con người. Không ai biết con số phần trăm xuất hiện lần đầu vào lúc nào, nhưng kể từ đó, nó đã được sử dụng trong mọi sinh hoạt của con người, từ khoa học đến báo chí. Bất cứ điều gì quá phổ biến cũng có nguy cơ trở thành bị lạm dụng, và con số phần trăm cũng chính là một nạn nhân của rất nhiều lạm dụng.
Ai cũng biết con số phần trăm là một phân số. Vì là phân số, nên phải có tử số và mẫu số, và thông thường, tử số là một phần của mẫu số. Nếu Quốc hội có 493 đại biểu, và trong số này có 444 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chúng ta có thể nói rằng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, và 10% đại biểu không phải là đảng viên. Khi con số được làm tròn như trường hợp trên (90%) người đọc có thể cảm nhận được một cách dễ dàng: cứ 10 đại biểu thì có 9 đại biểu là đảng viên.
Nhưng phần lớn những con số phần trăm không chẵn như thế. Chẳng hạn như một bản tin cho biết Quốc hội khóa 13, Hà Nội được cơ cấu có 30 đại biểu và “Chỉ giới thiệu 8,77% người ngoài Đảng ”. Cách trình bày con số như thế rất khó cảm nhận, phi logic, và có thể nói là một ... ngụy biện.
Thứ nhất, khó cảm nhận là vì con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ. Nhớ con số phần trăm đã khó, nhớ đến một số lẻ còn khó hơn, và đòi hỏi người đọc nhớ đến 2 số lẻ là một điều phi thực tế. Trong cuộc sống, chúng ta cần lo toan nhiều chuyện và có nhiều con số phải nằm lòng, rất ít ai có thể nhớ số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ.
Theo qui ước thống kê, khi mẫu số trên 100, chỉ trình bày số phần trăm chính xác đến 1 số thập phân là đủ; khi mẫu số thấp hơn 100, không cần số lẻ; và khi mẫu số dưới 50, không cần số phần trăm mà chỉ dùng số nguyên để nói.
Thứ hai là phi logic. Nếu Hà Nội có 30 đại biểu, và 8,77% là người ngoài Đảng, thì con số người ngoài Đảng phải là 2,63 người (lấy 30 nhân cho 8,77 và chia kết quả cho 100). Theo tôi biết đơn vị để đếm nhân sự là số nguyên, chứ không phải số lẻ. Chúng ta nói 2 người, 3 người, 10 người, v.v..., chứ không ai nói 2,63 người cả. Nói 2,63 người là một cách số hóa con người, và đó là một sự phi nhân văn.
Thứ ba là ... ngụy biện. Khi nói 8,77% chúng ta nghĩ đến trong số 10.000 người, có 877 người ngoải Đảng, bởi vì chính xác đến 2 số lẻ. Nhưng trong thực tế, Hà Nội chỉ có 30 đại biểu (chứ chưa đến 100), do đó nói 8,77% là nói ra ngoài phạm vi của con số thực tế. Tiếng Anh gọi cách phát biểu này là “over-generalization” – khái quát hóa ra ngoài phạm vi của dữ liệu.
Để sử dụng con số phần trăm có hiệu quả, tôi nghĩ giới báo chí nên chú ý đến tâm lí và khả năng cảm nhận của người đọc. Những con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ là không cần thiết.

Nguyễn Văn Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét