22 tháng 1, 2011

ĐẶT TỰA ĐỀ CHO BÀI BÁO KHOA HỌC

Thời điểm cuối năm là dịp để nghiệm thu các công trình nghiên cứu đã thực hiện trong năm qua và thông qua đề cương cho những công trình nghiên cứu mới. Như tới hẹn lại lên, tranh luận về việc đặt tựa đề cho một bài báo lại nổ ra. Thú thật tôi không thích nghe phần tranh luận này tí tẹo nào. Một vài anh em của tôi cũng đã rất nỗ lực để cải thiện tình trạng này, nhưng dường như...chưa vừa lòng một số người. Đọc được bài viết của Thầy Tuấn trên blog ngày 19/1/2011 về vấn đề này (vấn đề y như tình trạng ở bệnh viện nơi tôi làm việc) tôi liền ăn cắp về đây để làm tư liệu.
Bài viết có đoạn như sau:

Trong hội thảo về “Getting papers published in academic journals” ở Hà Nội (14/12/2010) có một bạn hỏi tôi rằng ở nước ngoài người ta có qui định tựa đề đề cương nghiên cứu khoa học hay không. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng chợt nhớ ra trước đây cũng có lần nói đến chuyện này. Tôi trả lời một cách không ngần ngại là “không”. Lặp lại để nhấn mạnh: không có qui định nào về cách đặt tựa đề cho đề cương nghiên cứu cả. Nếu có thì tôi chắc chắn rằng giới khoa học sẽ ôm bụng cười chết đi được!

Hôm qua, nhân dịp trò chuyện với một đồng nghiệp, anh cho biết thêm rằng ở Việt Nam quả thật có văn bản qui định cụ thể về đặt tựa đề nghiên cứu. Theo qui định này, tựa đề phải có động từ, phải có địa điểm nghiên cứu, phải có thời gian, thậm chí đối tượng nghiên cứu (như độ tuổi nào). Chẳng hạn như có những tựa đề dài lòng thòng như “Bước đầu nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh ABC hạng nhẹ trên phụ nữ tuổi từ 20 đến 45 tại huyện KL tỉnh XY vào năm 2007”. Rất rất nhiều đề cương nghiên cứu có tựa đề theo công thức trên. Đây đúng là một cách làm theo công thức. Đây cũng chính là lí do tại sao rất nhiều đề tài nghiên cứu có tựa đề giống nhau, giống nhau đến nhàm chán.

Không hiểu vì lí do gì mà người ta sáng tạo ra công thức này. Tại sao phải có động từ? Tại sao phải cần đến địa điểm nghiên cứu và thời gian nghiên cứu? Cũng chẳng hiểu tại sao người ta có nhiều thì giờ suy nghĩ ra một qui định có thể nói là lạ lùng và quái gở như thế! Lạ lùng là vì nó không theo bất cứ một qui ước khoa học nào trên thế giới. Quái gở là vì qui định đó hoàn toàn không có bất cứ một lí do khoa học nào, nếu không muốn nói là phản khoa học. Làm khoa học là phải sáng tạo. Ép buộc nhà khoa học đặt tựa đề vào công thức cũng chẳng khác gì ngăn chận sự sáng tạo của nhà khoa học. Thật ra, qui định trên là một cách hạn chế khoa học Việt Nam. Nếu tôi phụ trách biên tập một tập san quốc tế và nhận bản thảo công trình khoa học mà tựa đề nói đến nghiên cứu ở một xã nào đó và thời điểm nào đó ở Việt Nam, tôi có thể từ chối ngay, bởi vì điều tôi suy nghĩ đầu tiên là kết quả nghiên cứu này chẳng có tính khái quát hóa cao. Và, suy nghĩ của tôi có thể sai; sai vì tựa đề bài báo làm cho tôi có suy nghĩ đó!

Trước đây, tôi đã có một bài chỉ dẫn về cách đặt tựa đề bài báo khoa học. Tựa đề bài báo là cái đập vào mắt người đọc đầu tiên. Vì thế, cần phải cân nhắc cẩn thận khi đặt tựa đề để thu hút sự chú ý của người đọc. Có vài qui ước tốt để thu hút người đọc, và ở đây tôi xin nhắc lại vài qui ước chính:

  • Không bao giờ dùng những chữ viết tắt;
  • Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ;
  • Không nên đặt tựa đề dài;
  • Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới;
  • Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.
Tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu của ISI. Chính vì lí do này mà khi đặt tựa đề, tác giả cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Chẳng hạn như nếu tác giả muốn nhấn mạnh đến một gene cụ thể, thì có thể dùng “Effect of VDR gene polymorphism on …” (hay tương tự). Không nhất thiết phải có động từ. Không cần phải đề đối tượng nghiên cứu là nam hay nữ, không cần cung cấp độ tuổi, hay địa điểm nghiên cứu trong tựa đề, vì đây là những chi tiết mà người đọc có thể tìm thấy trong phần phương pháp. Thật ra, cung cấp những thông tin về đối tượng, thời gian và thời điểm như thế thường thường làm cho bài báo có xác suất được chấp nhận giảm thấp hơn.

Tựa đề cần cụ thể, nhưng phải có một điểm gì đó để “bán” được thông điệp. Thử xem qua 3 tựa đề sau đây:

1. Zinc supplementation for growth
2. Zinc supplementation for growth in preterm infants
3. Zinc supplementation for growth in preterm infants: a randomized controlled trial

Tựa đề 1 quá chung chung, khó có thể thu hút người đọc. Tựa đề 2 tốt hơn vì có đối tượng nghiên cứu. Tựa đề 3 nhấn mạnh “randomized controlled trial” là một tiêu chuẩn vàng để đánh giá một thuật can thiệp, nên dễ gây chú ý hơn tựa đề 1 và 2.

Có thể nói rằng tựa đề bài báo khoa học hay đề cương khoa học là một tuyên ngôn ngắn về công trình nghiên cứu. Tuyên ngôn đó phải đúc kết từ hàng ngàn câu chữ, và đòi hỏi phải là có tính sáng tạo để viết, chứ không phải viết theo một công thức nào. Tôi đề nghị nên xóa bỏ qui định đặt tựa đề đề cương nghiên cứu phải theo công thức, vì một qui định như thế chẳng những rất phản khoa học, mà còn khôi hài và thể hiện sự thiếu trưởng thành của khoa học Việt Nam. Nên xóa bỏ qui định phản khoa học đó.


Tôi hy vọng năm sau không còn phải ngồi nghe những tranh luận đại loại như thế này.

PVK.

18 tháng 1, 2011

CÁCH VIẾT MỘT ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

CÁCH VIẾT
ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
(Có tham khảo tài liệu của Gs.Nguyễn Văn Tuấn)
I. Phần dẫn nhập (Introduction hay Background):
Ở đây tác giả phải trả lời câu hỏi: Why did you do this study?
Những vấn đề cần trình bày trong phần này bao gồm:
1.  Định nghĩa vấn đề nghiên cứu.
2.  Nêu bật lên được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu ( như tần số của bệnh, hệ quả của bệnh dẫn đén tử vong, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác (biến chứng), ảnh hưởng của bệnh đến nền kinh tế, giảm chất lượng cuộc sống…).
3.  Tóm lược những kết quả trước đã được công bố trong y văn (trình bày những thông tin cơ bản để người đọc nắm vấn đề, ý nghĩa tầm quan trọng của vấn đề, và hiểu mục tiêu của công trình nghiên cứu này), cho thấy những gì đã được làm để giải quyết vấn đề và chỉ ra khoảng trống khoa học cần nghiên cứu thêm.
4.  Và mục đích của nghiên cứu này là gì.

Cách viết phần này như sau:
1.  Về mặt cấu trúc, phần dẫn nhập bao gồm một số đoạn văn không cần tiêu đề (heading).
2.  Về văn phạm, phần dẫn nhập nên viết bằng thì quá khứ, nhất là khi mô tả những kết quả trong quá khứ.  Tuy nhiên, khi đề cập đến những thông tin mang tính cổ điển mà được cộng đồng chuyên ngành chấp nhận, tác giả có thể dùng thì hiện tại.
3.  Không nên viết quá dài, khoảng 1 trang A4 là đủ. Viết quá dài rất dễ làm cho người đọc sao lãng vấn đề chính.
4.  Không nên điểm qua y văn theo kiểu viết sử. Những thông tin trình bày trong phần dẫn nhập phải có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
5.  Đoạn văn cuối của phần dẫn nhập là nơi để tác giả, sau khi điểm qua vấn đề và y văn, phát biểu mục đích của công trình nghiên cứu.
Trong nhiều trường hợp, trước phần mục đích, tác giả nên phát biểu giả thuyết nghiên cứu. Chẳng hạn như “We hypothesize that blah blah blah”, rồi một câu kế tiếp “This study was designed to test the hypothesis by addressing the following specific aims: blah blah blah”.

(Tóm lại là sau khi đọc xong phần dẫn nhập, người đọc biết được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, và tại sao tác giả làm nghiên cứu này).

II. Phần phương pháp (Methods):
Phần này tác giả phải trả lời cho được câu hỏi: what did you do?
Đây là phần rất quan trọng, tác giả phải trình bày một cách cụ thể rằng tác giả đã làm gì trong nghiên cứu này.
Cần trình bày các phần như sau:
-         Thiết kế nghiên cứu (study design):
Mô hình nghiên cứu gì? Cross-sectional, case-control…
-         Đối tượng nghiên cứu (participants).
Mô tả đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.
Tiêu chuẩn tuyển chọn, tiêu chuẩn loại trừ.
-         Đặc điểm và bối cảnh nghiên cứu (setting)
Cung cấp thông tin về địa điểm, thời gian mà công trình nghiên cứu được thực hiện, hay nơi mà dữ liệu được thu thập.
-         Qui trình nghiên cứu (procedures): tóm lược từng bước nghiên cứu.
Mô tả chi tiết về can thiệp hay điều trị (nếu có).
Nếu công trình có liên quan đến ngẫu nhiên hóa, cần phải mô tả cụ thể qui trình ngẫu nhiên hóa như thế nào, kỹ thuật gì được sử dụng để đảm bảo các nhóm cân đối…
Mô tả kỹ thuật đo lường được sử dụng trong nghiên cứu: tên của máy, model gì, và nơi sản xuất.
Mô tả điều kiện (nhiệt độ, ánh sáng…) trong khi đo lường, độ tin cậy và độ chính xác của kỹ thuật đo lường.
-         Định nghĩa chỉ tiêu lâm sàng (measurements of endpoints).
Định nghĩa rõ chỉ tiêu lâm sàng (endpoint hay outcome) trong nghiên cứu này  là gì?
Phương pháp đo lường chỉ tiêu này ra sao?
-         Cỡ mẫu (sample size).
Không phải là công thức tính mà là những giả định đằng sau cách tính.
(qua giả định, người đọc có thể đánh giá khả năng mà công trình nghiên cứu có thể giải quyết vấn đề (câu hỏi) đặt ra trong phần dẫn nhập).
-         Ngẫu nhiên hóa (randomization).
Có nhiều cách phân nhóm bằng máy tính và thuật toán, cho nên tác giả phải mô tả rõ phương pháp phân nhóm để người đọc có thế đánh giá chất lượng của nghiên cứu.
-         Mật hóa (làm mù) (blinding)
Mô tả kỹ thuật làm mù.
Nhằm tăng tính khách quan khi đánh giá hiệu quả của can thiệp, có khi cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân đều không biết bệnh nhân mình (hay mình) nằm trong nhóm nào của nghiên cứu
-         Phân tích dữ liệu (data analysis)
Phải phát biểu cho được biến phụ thuộc (hay endpoints hoặc outcome) là gì, biến độc lập (hay risk factors hoặc covariates) là gì, và định nghĩa rõ ràng các biến này được xử lí ra sao.  Nếu số liệu đã qua hoán chuyển thì tác giả phải giải thích tại sao. 
Có nhiều phương pháp phân tích số liệu và kiểm định giả thuyết, nên tác giả còn phải giải thích tại sao đã chọn phương pháp A mà không là phương pháp B.  Đôi khi tác giả cũng phải nói ra đã dùng software nào cho phân tích.  
III. Y đức liên quan đến vấn đề nghiên cứu
-   Vấn đề nghiên cứu có liên quan đến y đức không? (đặc biệt các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng).
IV. Kế hoạch thực hiện
-    Viết đề cương.
-    Thu thập số liệu.
-    Phân tích dữ liệu.
-    Diễn giải dữ liệu.
-    Hoàn thành công trình nghiên cứu, công bố nghiên cứu (thời gian nào…).
V. Dự trù kinh phí                    
-    Mô tả chi tiết (bút mực, giấy, in ấn, điện thoại….)
VI. Phần phân tích tính khả thi và khả năng ứng dụng của đề tài
-    Vấn đề nghiên cứu thực hiện có khả thi không (số lượng bệnh nhân tham gia, phương tiện can thiệp điều trị, phương pháp đo lường, theo dõi bệnh nhân, kinh phí nghiên cứu…)
-   Phạm vi, khả năng ứng dụng của đề tài sau khi hoàn thành như thế nào.
VII. Tài liệu tham khảo