31 tháng 12, 2011

HAPPY NEW YEAR 2012 và KHAI BÚT ĐẦU NĂM

Tôi đang viết những dòng chữ này khi đang trực gác ở bệnh viện. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp tôi trực gác vào đúng đêm giao thừa. Cảm giác thật khó tả, vội bật máy tính ghi nhanh vài dòng...
     Tiêu tốn rất nhiều năng lượng cho cả một năm rồi, nhưng vào thời khắc này tôi cảm thấy mình vẫn còn "sung sức" ha ha.... Có lẽ con gái yêu của tôi là nguồn năng lượng vô tận đối với tôi :-).
     Một năm qua, chúng tôi đã làm được rất nhiều điều, cũng có cả những thất bại, những kinh nghiệm và trải nghiệm sâu sắc.
Về gia đình, có lẽ người tôi cần phải nói lời cám ơn nhất vào thời khắc này chính là má tôi. Sức khỏe của bà không được tốt, nhưng tôi biết bà đã làm tất cả những gì có thể và hơn cả thế nữa chỉ vì tình thương con cháu. Vợ tôi cũng đã rất đảm đang, có thể nói đã làm việc với 200% sức lực. Bù đắp lại chúng tôi cảm thấy rất vui vì con gái của chúng tôi rất khỏe mạnh và kháu khỉnh.
Khoa nơi tôi làm việc, tiếp tục là một tập thể rất đoàn kết. Chúng tôi đã cùng nhau phát triển được thêm nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, và đã trở thành thường qui trong thực hành hàng ngày. Cũng đã có hai đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, và 2 đề tài nghiên cứu khác cũng đã được đăng trên các tạp chí chuyên nghành.
Đầu năm mới ai cũng có những kế hoạch riêng, những dự định ấp ủ. Nhân dịp này tôi muốn gởi lời chúc sức khỏe, chúc mừng năm mới đến tất cả những người thân và bạn bè của tôi, chúc cho những dự định của quí vị sẽ sớm được trở thành hiện thực.


PHẠM VÔ KỴ

23 tháng 3, 2011

VỀ CÁCH VIẾT CON SỐ PHẦN TRĂM (%)

Cách diễn đạt con số phần trăm (%) sao cho dễ cảm nhận và dễ hiểu là một vấn đề quan trọng trong khoa học. Đọc được bài viết của Gs. Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề này, tôi ăn cắp về đây để làm tư liệu.
Con số phần trăm được xem là một trong những sáng kiến hay nhất của con người. Không ai biết con số phần trăm xuất hiện lần đầu vào lúc nào, nhưng kể từ đó, nó đã được sử dụng trong mọi sinh hoạt của con người, từ khoa học đến báo chí. Bất cứ điều gì quá phổ biến cũng có nguy cơ trở thành bị lạm dụng, và con số phần trăm cũng chính là một nạn nhân của rất nhiều lạm dụng.
Ai cũng biết con số phần trăm là một phân số. Vì là phân số, nên phải có tử số và mẫu số, và thông thường, tử số là một phần của mẫu số. Nếu Quốc hội có 493 đại biểu, và trong số này có 444 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chúng ta có thể nói rằng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, và 10% đại biểu không phải là đảng viên. Khi con số được làm tròn như trường hợp trên (90%) người đọc có thể cảm nhận được một cách dễ dàng: cứ 10 đại biểu thì có 9 đại biểu là đảng viên.
Nhưng phần lớn những con số phần trăm không chẵn như thế. Chẳng hạn như một bản tin cho biết Quốc hội khóa 13, Hà Nội được cơ cấu có 30 đại biểu và “Chỉ giới thiệu 8,77% người ngoài Đảng ”. Cách trình bày con số như thế rất khó cảm nhận, phi logic, và có thể nói là một ... ngụy biện.
Thứ nhất, khó cảm nhận là vì con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ. Nhớ con số phần trăm đã khó, nhớ đến một số lẻ còn khó hơn, và đòi hỏi người đọc nhớ đến 2 số lẻ là một điều phi thực tế. Trong cuộc sống, chúng ta cần lo toan nhiều chuyện và có nhiều con số phải nằm lòng, rất ít ai có thể nhớ số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ.
Theo qui ước thống kê, khi mẫu số trên 100, chỉ trình bày số phần trăm chính xác đến 1 số thập phân là đủ; khi mẫu số thấp hơn 100, không cần số lẻ; và khi mẫu số dưới 50, không cần số phần trăm mà chỉ dùng số nguyên để nói.
Thứ hai là phi logic. Nếu Hà Nội có 30 đại biểu, và 8,77% là người ngoài Đảng, thì con số người ngoài Đảng phải là 2,63 người (lấy 30 nhân cho 8,77 và chia kết quả cho 100). Theo tôi biết đơn vị để đếm nhân sự là số nguyên, chứ không phải số lẻ. Chúng ta nói 2 người, 3 người, 10 người, v.v..., chứ không ai nói 2,63 người cả. Nói 2,63 người là một cách số hóa con người, và đó là một sự phi nhân văn.
Thứ ba là ... ngụy biện. Khi nói 8,77% chúng ta nghĩ đến trong số 10.000 người, có 877 người ngoải Đảng, bởi vì chính xác đến 2 số lẻ. Nhưng trong thực tế, Hà Nội chỉ có 30 đại biểu (chứ chưa đến 100), do đó nói 8,77% là nói ra ngoài phạm vi của con số thực tế. Tiếng Anh gọi cách phát biểu này là “over-generalization” – khái quát hóa ra ngoài phạm vi của dữ liệu.
Để sử dụng con số phần trăm có hiệu quả, tôi nghĩ giới báo chí nên chú ý đến tâm lí và khả năng cảm nhận của người đọc. Những con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ là không cần thiết.

Nguyễn Văn Tuấn.

14 tháng 3, 2011

MẪU ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

(Đây là mẫu đề cương do HĐKHKT soạn)

Trong khi chờ đợi bệnh viện có trang Web riêng, các bạn có thể truy cập vào đây để tham khảo.

I. Về cấu trúc của một bản đề cương
     - Đặt vấn đề
     - Chương I: Tổng quan tài liệu
     - Chương II: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
     - Chương III: Dự kiến kết quả
     - Chương IV: Dự kiến bàn luận
     - Dự kiến kết luận, kiến nghị
     - Tính khả thi
     - Kế hoạch nghiên cứu
     - Tài liệu tham khảo
     - Phụ lục  (Bệnh án nghiên cứu hoặc bảng thu thập số liệu, bảng câu hỏi)
   II. Về nội dung
Tên đề tài: Nên viết ngắn gọn nhưng phải xúc tích, nói lên được nội dung chính của vấn đề nghiên cứu. Tên một đề tài hay là phải phản ánh nội dung nghiên cứu chính xác bằng một lượng từ ngữ ít nhất, nhưng cũng không được quá ngắn như một câu phát biểu.
Đặt vấn đề: Có những nội dung
- Định nghĩa vấn đề nghiên cứu
- Tại sao phải nghiên cứu vấn đề này
- Những gì đã làm được để giải quyết vấn đề và những gì chưa giải quyết được
- Nêu mục tiêu nghiên cứu (có thể có mục tiêu tổng quát và mục tiêu chuyên biệt)
1.      Tổng quan: Có những nội dung
- Đặc điểm giải phẫu, sinh lý liên quan đến vấn đề nghiên cứu
- Điểm qua y văn thế giới về vấn đề nghiên cứu
- Các nghiên cứu trong nước
2.      Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
    2.1. Đối tương nghiên cứu
  +Mô tả đặc điểm của đối tượng
  + Tiêu chuẩn chọn bệnh và tiêu chuẩn loại trừ
  + Địa điểm và bối cảnh nghiên cứu
2.2.  Phương pháp nghiên cứu
  + Mô tả qui trình
  + Mô tả các phương pháp quan sát, đo lường và đánh giá kết quả
  + Ước tính cỡ mẫu
  + Phương pháp phân tích dữ liệu
  + Khía cạnh đạo đức
3.      Dự kiến kết quả Cần lập các bảng trống dự kiến để khi có số liệu tác giả chỉ đề vào. Dự kiến các biểu đồ, đồ thị…
4.  Dự kiến bàn luận
     Dự kiến kết luận
     Tính khả thi và kế hoạch nghiên cứu:
Nêu nguồn bệnh, phương tiện nghiên cứu, nhân lực, các giai đoạn, kinh phí, phân công nhân lực

Tài liệu tham khảo
 
- Tiếng việt: Thứ tự ABC theo tên
  - Tiếng nước ngoài: Thứ tự ABC theo họ
+ Tài liệu tham khảo là sách
  - Tên tác giả
  - Năm xuất bản
  - Tên sách
  - Nhà xuất bản
  - Nơi xuất bản
      - Số trang
     + Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí
        - Tên tác giả
        - Năm công bố
        - Tên bài báo
        - Tên tạp chí
        - Tập
        - Số
        - Số trang

Hình thức trình bàyTrình bày  bằng Font chữ Times New Roman 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Winword tương đương, mật độ chữ bình thường, không kéo dãn hay nén chữ, dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 line
Canh lề
        - Lề trên  : 3,5cm
        - Lề dưới : 3cm
        - Lề phải :  2cm
        - Lề trái  :  3,5cm
* Đối với báo cáo trường hợp lâm sàng (case report và series cases report):
 
- Nêu hiện tượng hoặc triệu chứng, hội chứng lạ chưa có trong y văn hoặc có trong y văn nhưng mới xuất hiện tại địa phương hoặc vùng.
  - Trình bày bệnh án: Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, phương pháp điều trị, kết quả
  - Bàn luận
  - Kết luận: Nêu cảnh báo, khuyến cáo các nghiên cứu tiếp theo
* Đối với nghiên cứu điều dưỡng: Về cấu trúc trình bày vẫn như trên, tùy nội dung của đề tài, có thể có hoặc không có một số mục, chi tiết tham khảo trong Phương pháp nghiên cứu Điều dưỡng, NXB Y học 2005.


                                     BỆNH ÁN NGHIÊN CỨU
(Có tính chất tham khảo)
I. HÀNH CHÁNH
HỌ VÀ TÊN:……………………………..   TUỔI:……….GIỚI:
ĐỊA CHỈ:………………………………
SỐ NHẬP VIỆN: ………       SỐ ĐT:
NGHỀ NGHIỆP:
NGÀY VÀO VIỆN:
NGÀY RA VIỆN:
SỐ NGÀY ĐIỀU TRỊ:
II. LÝ DO VÀO VIỆN:
III. TIỀN SỬ:
IV. BỆNH SỬ:
V. TRIỆU CHỨNG:
- LÂM SÀNG:
- CẬN LÂM SÀNG:
VI. PP ĐIỀU TRỊ:
VII. KẾT QUẢ LÚC RA VIỆN:

                        Tốt c    Trung bình  c           Xấu c                  
VIII. BIẾN CHỨNG:          Không   c              c         
IX. KẾT QUẢ KHI TÁI KHÁM:
-Sau 3 tháng: Tốt   c              Trung bình    c         Xấu  c
-Sau 6 tháng: Tốt   c              Trung bình    c         Xấu  c
- Thời gian theo dõi: ................tháng.
l Tùy từng chủ đề nghiên cứu mà nội dung trong bệnh án nghiên cứu có khác nhau.


THÔNG BÁO CỦA HĐKHKT

     Bệnh viện ĐKKG           Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
          HĐKHKT                         Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

THÔNG BÁO
(V/v thông qua đề cương nghiên cứu khoa học)

Kính gởi: - Các khoa, phòng trực thuộc BVĐK Kiên giang
     - Các chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học
Hội đồng khoa học kỹ thuật BVĐK xin thông báo kế hoạch thông qua đề cương NCKH cấp bệnh viện năm 2011 với các nội dung sau.
Về thời gian: 28, 29, 30 tháng 3 năm 2011
Về hình thức trình bày: Trình chiếu Power point
Về nội dung: Có 3 phần
-         Tên đề tài: 1 slide
-         Đặt vấn đề, mục tiêu nghiên cứu: 3-4 slides
-         Phương pháp nghiên cứu: 8-10 slides.
Thời gian trình bày: 5 phút
Để các thành viên hội đồng có cơ sở đánh giá, đề nghị mỗi đề tài in 21 bản theo mẫu đính kèm
Đề nghị các khoa phòng và các chủ nhiệm đề tài thực theo tinh thần thông báo này

                                               T/M HỘI ĐỒNG KHKT
                                                 Chủ tịch hội đồng


                              

22 tháng 1, 2011

ĐẶT TỰA ĐỀ CHO BÀI BÁO KHOA HỌC

Thời điểm cuối năm là dịp để nghiệm thu các công trình nghiên cứu đã thực hiện trong năm qua và thông qua đề cương cho những công trình nghiên cứu mới. Như tới hẹn lại lên, tranh luận về việc đặt tựa đề cho một bài báo lại nổ ra. Thú thật tôi không thích nghe phần tranh luận này tí tẹo nào. Một vài anh em của tôi cũng đã rất nỗ lực để cải thiện tình trạng này, nhưng dường như...chưa vừa lòng một số người. Đọc được bài viết của Thầy Tuấn trên blog ngày 19/1/2011 về vấn đề này (vấn đề y như tình trạng ở bệnh viện nơi tôi làm việc) tôi liền ăn cắp về đây để làm tư liệu.
Bài viết có đoạn như sau:

Trong hội thảo về “Getting papers published in academic journals” ở Hà Nội (14/12/2010) có một bạn hỏi tôi rằng ở nước ngoài người ta có qui định tựa đề đề cương nghiên cứu khoa học hay không. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng chợt nhớ ra trước đây cũng có lần nói đến chuyện này. Tôi trả lời một cách không ngần ngại là “không”. Lặp lại để nhấn mạnh: không có qui định nào về cách đặt tựa đề cho đề cương nghiên cứu cả. Nếu có thì tôi chắc chắn rằng giới khoa học sẽ ôm bụng cười chết đi được!

Hôm qua, nhân dịp trò chuyện với một đồng nghiệp, anh cho biết thêm rằng ở Việt Nam quả thật có văn bản qui định cụ thể về đặt tựa đề nghiên cứu. Theo qui định này, tựa đề phải có động từ, phải có địa điểm nghiên cứu, phải có thời gian, thậm chí đối tượng nghiên cứu (như độ tuổi nào). Chẳng hạn như có những tựa đề dài lòng thòng như “Bước đầu nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh ABC hạng nhẹ trên phụ nữ tuổi từ 20 đến 45 tại huyện KL tỉnh XY vào năm 2007”. Rất rất nhiều đề cương nghiên cứu có tựa đề theo công thức trên. Đây đúng là một cách làm theo công thức. Đây cũng chính là lí do tại sao rất nhiều đề tài nghiên cứu có tựa đề giống nhau, giống nhau đến nhàm chán.

Không hiểu vì lí do gì mà người ta sáng tạo ra công thức này. Tại sao phải có động từ? Tại sao phải cần đến địa điểm nghiên cứu và thời gian nghiên cứu? Cũng chẳng hiểu tại sao người ta có nhiều thì giờ suy nghĩ ra một qui định có thể nói là lạ lùng và quái gở như thế! Lạ lùng là vì nó không theo bất cứ một qui ước khoa học nào trên thế giới. Quái gở là vì qui định đó hoàn toàn không có bất cứ một lí do khoa học nào, nếu không muốn nói là phản khoa học. Làm khoa học là phải sáng tạo. Ép buộc nhà khoa học đặt tựa đề vào công thức cũng chẳng khác gì ngăn chận sự sáng tạo của nhà khoa học. Thật ra, qui định trên là một cách hạn chế khoa học Việt Nam. Nếu tôi phụ trách biên tập một tập san quốc tế và nhận bản thảo công trình khoa học mà tựa đề nói đến nghiên cứu ở một xã nào đó và thời điểm nào đó ở Việt Nam, tôi có thể từ chối ngay, bởi vì điều tôi suy nghĩ đầu tiên là kết quả nghiên cứu này chẳng có tính khái quát hóa cao. Và, suy nghĩ của tôi có thể sai; sai vì tựa đề bài báo làm cho tôi có suy nghĩ đó!

Trước đây, tôi đã có một bài chỉ dẫn về cách đặt tựa đề bài báo khoa học. Tựa đề bài báo là cái đập vào mắt người đọc đầu tiên. Vì thế, cần phải cân nhắc cẩn thận khi đặt tựa đề để thu hút sự chú ý của người đọc. Có vài qui ước tốt để thu hút người đọc, và ở đây tôi xin nhắc lại vài qui ước chính:

  • Không bao giờ dùng những chữ viết tắt;
  • Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ;
  • Không nên đặt tựa đề dài;
  • Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới;
  • Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.
Tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu của ISI. Chính vì lí do này mà khi đặt tựa đề, tác giả cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Chẳng hạn như nếu tác giả muốn nhấn mạnh đến một gene cụ thể, thì có thể dùng “Effect of VDR gene polymorphism on …” (hay tương tự). Không nhất thiết phải có động từ. Không cần phải đề đối tượng nghiên cứu là nam hay nữ, không cần cung cấp độ tuổi, hay địa điểm nghiên cứu trong tựa đề, vì đây là những chi tiết mà người đọc có thể tìm thấy trong phần phương pháp. Thật ra, cung cấp những thông tin về đối tượng, thời gian và thời điểm như thế thường thường làm cho bài báo có xác suất được chấp nhận giảm thấp hơn.

Tựa đề cần cụ thể, nhưng phải có một điểm gì đó để “bán” được thông điệp. Thử xem qua 3 tựa đề sau đây:

1. Zinc supplementation for growth
2. Zinc supplementation for growth in preterm infants
3. Zinc supplementation for growth in preterm infants: a randomized controlled trial

Tựa đề 1 quá chung chung, khó có thể thu hút người đọc. Tựa đề 2 tốt hơn vì có đối tượng nghiên cứu. Tựa đề 3 nhấn mạnh “randomized controlled trial” là một tiêu chuẩn vàng để đánh giá một thuật can thiệp, nên dễ gây chú ý hơn tựa đề 1 và 2.

Có thể nói rằng tựa đề bài báo khoa học hay đề cương khoa học là một tuyên ngôn ngắn về công trình nghiên cứu. Tuyên ngôn đó phải đúc kết từ hàng ngàn câu chữ, và đòi hỏi phải là có tính sáng tạo để viết, chứ không phải viết theo một công thức nào. Tôi đề nghị nên xóa bỏ qui định đặt tựa đề đề cương nghiên cứu phải theo công thức, vì một qui định như thế chẳng những rất phản khoa học, mà còn khôi hài và thể hiện sự thiếu trưởng thành của khoa học Việt Nam. Nên xóa bỏ qui định phản khoa học đó.


Tôi hy vọng năm sau không còn phải ngồi nghe những tranh luận đại loại như thế này.

PVK.

18 tháng 1, 2011

CÁCH VIẾT MỘT ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

CÁCH VIẾT
ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
(Có tham khảo tài liệu của Gs.Nguyễn Văn Tuấn)
I. Phần dẫn nhập (Introduction hay Background):
Ở đây tác giả phải trả lời câu hỏi: Why did you do this study?
Những vấn đề cần trình bày trong phần này bao gồm:
1.  Định nghĩa vấn đề nghiên cứu.
2.  Nêu bật lên được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu ( như tần số của bệnh, hệ quả của bệnh dẫn đén tử vong, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác (biến chứng), ảnh hưởng của bệnh đến nền kinh tế, giảm chất lượng cuộc sống…).
3.  Tóm lược những kết quả trước đã được công bố trong y văn (trình bày những thông tin cơ bản để người đọc nắm vấn đề, ý nghĩa tầm quan trọng của vấn đề, và hiểu mục tiêu của công trình nghiên cứu này), cho thấy những gì đã được làm để giải quyết vấn đề và chỉ ra khoảng trống khoa học cần nghiên cứu thêm.
4.  Và mục đích của nghiên cứu này là gì.

Cách viết phần này như sau:
1.  Về mặt cấu trúc, phần dẫn nhập bao gồm một số đoạn văn không cần tiêu đề (heading).
2.  Về văn phạm, phần dẫn nhập nên viết bằng thì quá khứ, nhất là khi mô tả những kết quả trong quá khứ.  Tuy nhiên, khi đề cập đến những thông tin mang tính cổ điển mà được cộng đồng chuyên ngành chấp nhận, tác giả có thể dùng thì hiện tại.
3.  Không nên viết quá dài, khoảng 1 trang A4 là đủ. Viết quá dài rất dễ làm cho người đọc sao lãng vấn đề chính.
4.  Không nên điểm qua y văn theo kiểu viết sử. Những thông tin trình bày trong phần dẫn nhập phải có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
5.  Đoạn văn cuối của phần dẫn nhập là nơi để tác giả, sau khi điểm qua vấn đề và y văn, phát biểu mục đích của công trình nghiên cứu.
Trong nhiều trường hợp, trước phần mục đích, tác giả nên phát biểu giả thuyết nghiên cứu. Chẳng hạn như “We hypothesize that blah blah blah”, rồi một câu kế tiếp “This study was designed to test the hypothesis by addressing the following specific aims: blah blah blah”.

(Tóm lại là sau khi đọc xong phần dẫn nhập, người đọc biết được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, và tại sao tác giả làm nghiên cứu này).

II. Phần phương pháp (Methods):
Phần này tác giả phải trả lời cho được câu hỏi: what did you do?
Đây là phần rất quan trọng, tác giả phải trình bày một cách cụ thể rằng tác giả đã làm gì trong nghiên cứu này.
Cần trình bày các phần như sau:
-         Thiết kế nghiên cứu (study design):
Mô hình nghiên cứu gì? Cross-sectional, case-control…
-         Đối tượng nghiên cứu (participants).
Mô tả đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.
Tiêu chuẩn tuyển chọn, tiêu chuẩn loại trừ.
-         Đặc điểm và bối cảnh nghiên cứu (setting)
Cung cấp thông tin về địa điểm, thời gian mà công trình nghiên cứu được thực hiện, hay nơi mà dữ liệu được thu thập.
-         Qui trình nghiên cứu (procedures): tóm lược từng bước nghiên cứu.
Mô tả chi tiết về can thiệp hay điều trị (nếu có).
Nếu công trình có liên quan đến ngẫu nhiên hóa, cần phải mô tả cụ thể qui trình ngẫu nhiên hóa như thế nào, kỹ thuật gì được sử dụng để đảm bảo các nhóm cân đối…
Mô tả kỹ thuật đo lường được sử dụng trong nghiên cứu: tên của máy, model gì, và nơi sản xuất.
Mô tả điều kiện (nhiệt độ, ánh sáng…) trong khi đo lường, độ tin cậy và độ chính xác của kỹ thuật đo lường.
-         Định nghĩa chỉ tiêu lâm sàng (measurements of endpoints).
Định nghĩa rõ chỉ tiêu lâm sàng (endpoint hay outcome) trong nghiên cứu này  là gì?
Phương pháp đo lường chỉ tiêu này ra sao?
-         Cỡ mẫu (sample size).
Không phải là công thức tính mà là những giả định đằng sau cách tính.
(qua giả định, người đọc có thể đánh giá khả năng mà công trình nghiên cứu có thể giải quyết vấn đề (câu hỏi) đặt ra trong phần dẫn nhập).
-         Ngẫu nhiên hóa (randomization).
Có nhiều cách phân nhóm bằng máy tính và thuật toán, cho nên tác giả phải mô tả rõ phương pháp phân nhóm để người đọc có thế đánh giá chất lượng của nghiên cứu.
-         Mật hóa (làm mù) (blinding)
Mô tả kỹ thuật làm mù.
Nhằm tăng tính khách quan khi đánh giá hiệu quả của can thiệp, có khi cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân đều không biết bệnh nhân mình (hay mình) nằm trong nhóm nào của nghiên cứu
-         Phân tích dữ liệu (data analysis)
Phải phát biểu cho được biến phụ thuộc (hay endpoints hoặc outcome) là gì, biến độc lập (hay risk factors hoặc covariates) là gì, và định nghĩa rõ ràng các biến này được xử lí ra sao.  Nếu số liệu đã qua hoán chuyển thì tác giả phải giải thích tại sao. 
Có nhiều phương pháp phân tích số liệu và kiểm định giả thuyết, nên tác giả còn phải giải thích tại sao đã chọn phương pháp A mà không là phương pháp B.  Đôi khi tác giả cũng phải nói ra đã dùng software nào cho phân tích.  
III. Y đức liên quan đến vấn đề nghiên cứu
-   Vấn đề nghiên cứu có liên quan đến y đức không? (đặc biệt các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng).
IV. Kế hoạch thực hiện
-    Viết đề cương.
-    Thu thập số liệu.
-    Phân tích dữ liệu.
-    Diễn giải dữ liệu.
-    Hoàn thành công trình nghiên cứu, công bố nghiên cứu (thời gian nào…).
V. Dự trù kinh phí                    
-    Mô tả chi tiết (bút mực, giấy, in ấn, điện thoại….)
VI. Phần phân tích tính khả thi và khả năng ứng dụng của đề tài
-    Vấn đề nghiên cứu thực hiện có khả thi không (số lượng bệnh nhân tham gia, phương tiện can thiệp điều trị, phương pháp đo lường, theo dõi bệnh nhân, kinh phí nghiên cứu…)
-   Phạm vi, khả năng ứng dụng của đề tài sau khi hoàn thành như thế nào.
VII. Tài liệu tham khảo